Sở hữu trí tuệ là gì ? Quyền sở hữu trí tuệ là gì ? Bảo vệ quyền SHTT
Quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không còn là một khái niệm xa lạ với người dân, tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng việc thực thi những quy định pháp luật nhằm hiện thực các quyền sở hữu trí tuệ vẫn là vấn đề muôn thủa tại nước ta. Luật sư phân tích một số vấn đề liên quan dưới góc nhìn pháp lý và thực tiễn:
Mục lục bài viết
- 1. Sở hữu trí tuệ là gì ? Quyền sở hữu trí tuệ là gì ?
- 2. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính
- 3. Lợi ích của doanh nghiệp với quyền sở hữu trí tuệ là gì ?
- 4. Lợi ích quốc gia từ việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ?
- 5. Làm sao để doanh nghiệp có thể bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ?
1. Sở hữu trí tuệ là gì ? Quyền sở hữu trí tuệ là gì ?
Sở hữu trí tuệ, hay có khi còn gọi là tài sản trí tuệ, là những sản phẩm sáng tạo của bộ óc con người. Ðó có thể là tác phẩm văn học, âm nhạc, phần mềm máy tính, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, v.v…Quyền sở hữu trí tuệ là các quyền đối với những sản phẩm sáng tạo nói trên. Trong số các quyền này có 2 quyền thường được nhắc đến là quyền tài sản và quyền nhân thân.
Ðã có tổ chức chuyên trách về quyền sở hữu trí tuệ là Tổ chức Sở hữu Trí tuệThế giới (WIPO), tại sao WTO còn điều chỉnh vấn đề này ?
WTO chỉ điều chỉnh những khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại. Tên gọi của Hiệp định TRIPS đã nói lên điều này. Tuy nhiên, vì Hiệp định TRIPS có dẫn chiếu đến các điều ước quốc tế khác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (Công ước Berne, Công ước Paris, …) và Hiệp định TRIPS thường được nhắc đến trong các cuộc đàm phán thương mại nên người ta có cảm tưởng đây là hiệp định bao trùm trong lĩnh vực này.
Tại sao ngày nay vấn đề quyền sở hữu trí tuệ lại được quan tâm mạnh mẽ đến vậy ?
Đó là do sự thay đổi trong cơ cấu các yếu tố tạo nên giá trị hàng hoá. Ở thời kỳ sản xut nông nghiệp, phn lớn giá trị của nông sản là do lao động cơ bắp của người nông dân bỏ ra. Đến thời đại công nghiệp, máy móc đã dần dần thay thế lao động cơ bắp trong tỷ lệ giá trị hàng hoá. Ngày nay, khi mà nhiều nước đã chuyển sang nền kinh tế tri thức thì hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm và dịch vụ ngày càng lớn lên, trở thành một yếu tố quyết định tính cạnh tranh. Một container máy điện thoại di động có giá trị lớn hơn một container xe máy, và càng lớn hơn giá trị của một container sắn lát. Do vậy, quyền sở hữu trí tuệ càng được người ta chú trọng bảo vệ.
Xin cho biết nội dung cơ bản của Hiệp định TRIPS.
Nói vắn tắt, Hiệp định TRIPS quy định những tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu đối với các quyền sở hữu trí tuệ và đưa ra các biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện các quyền đó.
Các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ là các loại hình sáng tạo khác nhau mà con người nghĩ ra. Các đối tượng này cùng với chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ là mục tiêu bảo hộ của Hiệp định TRIPS và các điều ước quốc tế khác.
Xin cho biết rõ hơn về các loại đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ.
Người ta đã nhóm các loại hình sáng tạo của con người thành một số loại đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ sau đây:
– Bản quyền;
– Bằng sáng chế;
– Thương hiệu;
– Kiểu dáng công nghiệp;
– Sơ đồ bố trí mạch tích hợp;
– Chỉ dẫn địa lý.
Ngoài bản quyền, các quyền còn lại được gọi chung là quyền sở hữu công nghiệp.
Tại Việt Nam, các vấn đề về bản quyền do Cục Bản quyền Tác giả (Bộ Văn hóa – Thông tin) xem xét giải quyết. Các quyền còn lại thuộc phạm vi quản lý của Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Sự phân biệt giữa bản quyền và các quyền sở hữu công nghiệp là gì ?
Bản quyền còn được gọi là quyền tác giả. Ðây là quyền đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Ngoài việc có thể đem lại giá trị kinh tế cho tác giả giống như ở các quyền sở hữu công nghiệp, bản quyền còn đảm bảo quyền nhân thân của tác giả hay nói cách khác là đảm bảo uy tín, danh dự của tác giả gắn với tác phẩm của mình.
Như vậy, có thể tạm hiểu những gì được gọi là “tác phẩm” tức là có bản quyền.
Xin cho một số ví dụ về việc vi phạm bản quyền.
Trong thực tế, bản quyền có sự thể hiện khá phong phú nên các dạng vi phạm bản quyền cũng khá đa dạng.
Một số ví dụ:
– Một bài báo sao chép lại bài báo khác.
– Nhà xuất bản in, tái bản sách mà chưa có sự đồng ý của tác giả.
– Ca sĩ biểu diễn, ghi âm, thu hình bài hát mà không có sự thỏa thuận của nhạc sĩ sáng tác.
– Bộ phim bị thu trộm và nhân bản trên băng video hoặc đĩa VCD để bán.
– Chương trình máy tính bị bẻ khóa.
Bản chất của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là gì ?
Từ góc độ vật chất, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là nhằm đảm bảo cho người sáng tạo có thể khai thác giá trị kinh tế từ các sản phẩm sáng tạo của mình để bù đắp lại công lao sáng tạo.
Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ luôn gắn với thời hạn bảo hộ. Ví dụ tác phẩm điện ảnh được bảo hộ 50 năm, thiết kế bố trí mạch tích hợp có thời hạn bảo hộ là 10 năm.
Hết thời hạn này, các sáng tạo trở thành tài sản chung của nhân loại và tất cả mọi người có thể khai thác, sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả thù lao cho người sáng tạo.
Tại sao Hiệp định TRIPS đã công nhận sự bảo hộ đối với các quyền sở hữu trí tuệ mà lại còn buộc người có bằng sáng chế phải cung cấp thông tin về sáng chế đó cho công chúng?
Trong khi bảo hộ bằng sáng chế để tạo điều kiện cho người sáng chế có thể bù đắp chi phí nghiên cứu, Hiệp định TRIPS cũng chú trọng đến lợi ích của toàn xã hội bằng việc yêu cầu người sáng chế phải cung cấp thông tin về sáng chế để những người khác có thể nghiên cứu, phát triển sâu hơn nữa và tránh lãng phí nguồn lực, thời gian, kinh phí vào những vấn đề đã được sáng chế. Trong thời gian bảo hộ sáng chế, những người khác chỉ được sử dụng thông tin về sáng chế để nghiên cứu chứ không phải để kinh doanh, trừ phi đã được người sở hữu bằng sáng chế cho phép.
Việc tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đem lại lợi ích gì cho các nước đang phát triển?
Có hai lợi ích chính:
– Ngăn chặn được sự sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Hàng giả, hàng nhái đều là những sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và gây thiệt hại cho nhà sản xuất chân chính cả về doanh thu và uy tín. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp loại bỏ các sản phẩm này ra khỏi thị trường, đảm bảo quyền lợi của cả nhà sản xuất chân chính và người tiêu dùng.
– Khuyến khích sáng tạo tại chỗ và chuyển giao công nghệ. Nhiều nhà phát minh trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài thường nản lòng khi không có chế độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đủ mạnh ở nước sở tại, họ không có động lực để sáng tạo và cũng không muốn đem công nghệ mới hoặc nghiên cứu phát triển công nghệ ở nước sở tại vì sợ bị mất bí mật công nghệ.
Vậy còn mặt trái là gì?
Phần lớn số lượng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ hiện nay do các nước phát triển nắm giữ. Ðiều này tạo nên lợi thế rất lớn cho sản phẩm của các nước này so với các nước đang phát triển. Trong một số lĩnh vực, ví dụ dược phẩm, sự độc quyền khai thác bằng sáng chế đã đẩy giá sản phẩm lên rất cao, đem lại lợi nhuận khổng lồ cho hãng sản xuất. Các nước đang phát triển, vốn đã không có công nghệ, lại phải chịu mua các sản phẩm với giá cao này nên thiệt thòi càng lớn.
Một ví dụ khác là phần mềm máy tính. Giá một chương trình phần mềm thường từ vài trăm đến hàng ngàn đô-la Mỹ, vượt gấp nhiều lần giá của chiếc máy tính. Nếu tuân thủ nghiêm ngặt chế độ bản quyền phần mềm thì rất có thể nhiều nước đang phát triển không có được trình độ công nghệ thông tin hiện nay.
Nói vậy không có nghĩa là chúng ta khuyến khích việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà điều chính yếu là chúng ta cần phối hợp với các nước đang phát triển khác đấu tranh cho một hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ công bằng và hợp lý hơn.
Thời hạn bảo hộ các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định TRIPS là bao nhiêu lâu?
Hiệp định TRIPS chỉ quy định thời hạn bảo hộ tối thiểu, nghĩa là các nước có thể đặt ra thời hạn bảo hộ bằng hoặc dài hơn thời hạn nêu trong Hiệp định TRIPS.
Thời hạn bảo hộ tối thiểu theo Hiệp định TRIPS là :
– Bằng sáng chế: 20 năm
– Bản quyền (đối với các tác phẩm không phải là tranh, điện ảnh): 50 năm hoặc suốt đời tác giả cộng thêm 50 năm
– Bản quyền điện ảnh: 50 năm
– Bản quyền tranh: 25 năm
– Thương hiệu: 7 năm
– Kiểu dáng công nghệ : 10 năm
– Sơ đồ bố trí mạch tích hợp: 10 năm
Chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ là gì ?
Chỉ dẫn địa lý là tên gọi những sản phẩm gắn liền vi nguồn gốc địa lý của sản phẩm đó, và chính nguồn gốc địa lý này là yếu tố cơ bản nói lên uy tín, chất lượng của sản phẩm đó.
Tên gọi xuất xứ là một dạng của chỉ dẫn địa lý dành để chỉ các sản phẩm mà chất lượng gắn liền với môi trường xuất xứ của sản phẩm.
Tại Việt Nam, “nước mắm Phú Quốc” đã được công nhận là một chỉ dẫn địa lý. Như vậy, một loại nước mắm khác sản xuất tại Thái Lan hay Trung Quốc dù có thành phần, độ mặn, độ ngon tương tự cũng không được phép đưa tên gọi “nước mắm Phú Quốc” lên nhãn hiệu của mình. Ở đây, “Phú Quốc” đã không còn giới hạn ở một thương hiệu cụ thể mà trở thành tên gọi đại diện cho loại nước mắm của tất cả các hộ sản xuất trên hòn đảo này.
Chỉ dẫn địa lý thường liên quan đến các sản phẩm chế biến từ thiên nhiên như nông sản, hải sản, nhưng cũng có thể liên quan đến các sản phẩm do con người tạo ra.
“Đồng hồ Thuỵ Sỹ” là một ví dụ.
Phát minh và sáng chế khác nhau như thế nào?
Phát minh là từ để chỉ việc tìm ra những sự vật, hiện tượng, quy luật có sẵn trong tự nhiên nhưng trước đó con người chưa biết tới. Còn sáng chế là sản phẩm sáng tạo của bộ óc con người, trước đây và sau này không hề có trong tự nhiên.
Ví dụ M. Faraday là người đã phát minh ra hiện tượng cảm ứng điện từ, còn T. Edisson lại là người sáng chế ra bóng đèn, máy ghi âm; I. Newton đã phát minh ra định luật vạn vật hấp dẫn, còn E. Rubik đã sáng chế ra khối vuông 6 mặt kỳ ảo mang tên ông.
Phát minh và sáng chế đều thể hiện những bước tiến của trí tuệ con người.
Phát minh thường là những môn khoa học cơ bản, mang tính lý thuyết, được ghi nhận công lao của người tìm ra, nhưng không phải là đối tượng được bảo hộ như sáng chế.
Nếu bạn vẫn còn chút lúng túng trong việc phân biệt hai khái niệm này, xin hãy nhớ: cái gì được con người “tìm ra” thì là phát minh, còn cái gì được con người “nghĩ ra” hoặc “làm ra” thì là sáng chế.
Sản phẩm sáng tạo như thế nào thì được coi là sáng chế?
Một sáng chế phải đảm bảo đủ các tính chất chính sau đây:
– Mới về nội dung
– Có tính sáng tạo so với các giải pháp đã có
– Có khả năng áp dụng đại trà trên quy mô công nghiệp.
Pa-tăng và li-xăng có phải là một hay không?
Không. Pa-tăng là bằng sáng chế. Còn li-xăng là giấy phép sử dụng sáng chế.
Khi đăng ký một sáng chế mới, nhà sáng chế được cấp bằng sáng chế để chứng tỏ quyền sở hữu của mình. Sau đó, nhà sáng chế có thể tự mình khai thác sáng chế bằng cách tổ chức sản xuất ở quy mô công nghiệp. Nhưng nếu nhà sáng chế không có khả năng làm việc này, họ có thể cấp giấy phép cho phép các nhà sản xuất khác sử dụng sáng chế của mình. Tất nhiên, để đổi lại, nhà sản xuất phải trả cho nhà sáng chế một khoản chi phí nhất định.
Tuỳ theo thỏa thuận giữa nhà sáng chế và nhà sản xuất, giấy phép sử dụng sáng chế cóthể được cấp cho nhiều người hoặc duy nhất một người, trong toàn bộ thời gian sáng chế được bảo hộ hoặc chỉ trong một khoảng thời gian ngắn hơn.
Nếu nhà sáng chế không tự sản xuất mà cũng không chịu cấp giấy phép sử dụng sáng chế thì sao?
Trong trường hợp này, nếu thấy cần được đem ra áp dụng vì lợi ích chung của cộng đồng thì cơ quan quản lý Nhà nước có thể can thiệp bằng cách tự đứng ra cấp giấy phép sử dụng sáng chế và yêu cầu nhà sản xuất được cấp giấy phép phải trả cho nhà sáng chế một khoản thù lao hợp lý. Ðây được gọi là giấy phép bắt buộc.
Hiệp định TRIPS có quy định về những điều kiện để có thể cấp giấy phép bắt buộc.
Trách nhiệm chứng minh khi xảy ra tranh chấp bằng sáng chế thuộc về bên nào ?
Nếu bằng sáng chế được cấp cho quy trình sản xuất và có tranh chấp về quy trình đó thì trách nhiệm chứng minh thuộc về bị đơn. Nghĩa là người bị cáo buộc là vi phạm bằng sáng chế sẽ phải chứng minh là quy trình sản xuất của mình khác với quy trình đã được cấp bằng sáng chế.
Mọi vướng mắc về quyền sở hữu trí tuệ hoặc cần tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ, Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được luật sư tư vấn. Quý khách hàng yêu cầu dịch vụ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có thể gọi số: 0986.386.648 (Gặp Luật sư: Phương Dung) để được hỗ trợ.
2. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính
“…Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ gây hậu quả tiêu cực cho người nắm giữ quyền bị xâm phạm mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng khác, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đối với xã hội…”
I. Quy định pháp luật về biện pháp hành chính xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
1. Tại sao sử dụng biện pháp hành chính để xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ?
Khác với quyền sở hữu tài sản thông thường, quyền sở hữu trí tuệ có đặc điểm là đối tượng quyền tồn tại chủ yếu dưới dạng thông tin, do đó có khả năng lan truyền rộng lớn và dễ có khả năng được vật chất hoá hàng hoạt, sau đó trở thành thực thể tác động, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người, cũng như của cả xã hội. Do vậy, một hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ gây hậu quả tiêu cực cho người nắm giữ quyền bị xâm phạm đó, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng khác, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đối với xã hội.
Như vậy, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng là hành vi vi phạm pháp luật về bảo hộ và quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (Nhà nước đã xác lập quyền cho chủ thể quyền và nghiêm cấm hành vi xâm phạm quyền của chủ sở hữu trí tuệ) và gây ảnh hưởng đến lợi ích của chủ thể quyền, lợi ích của người tiêu dùng và gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội cần phải loại trừ. Do vậy, trong một số trường hợp nhất định, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể coi là hành vi vi phạm hành chính.[1]
Pháp luật về sở hữu trí tuệ có quy định về việc Nhà nước có trách nhiệm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền và việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là hành vi vi phạm pháp luật. Một hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ gây tổn hại cho chủ thể quyền đối với đối tượng sở hữu trí tuệ bị xâm phạm, mà còn có thể gây thiệt hại đến lợi ích của người thứ ba – người tiêu dùng trong xã hội và có thể nói là gây tổn hại cho lợi ích của xã hội. Ví dụ, việc xâm phạm quyền đối với một nhãn hiệu hàng hoá, thì hành vi xâm phạm quyền đó không chỉ gây tổn hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm (giảm thị phần, giảm lợi nhuận, làm suy giảm lòng tin của khách hàng vào sản phẩm mang nhãn hiệu đó…), mà còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng khi mua phải hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu hàng hoá đó (như chất lượng không được như hàng thật nhưng phải trả tiền với giá trị tương đương với hàng thật; đôi khi còn gây tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng nếu hàng giả, hàng nhái đó liên quan đến thực phẩm hoặc dược phẩm…).
Trong bối cảnh trình độ công nghệ ngày càng cao, việc sản xuất các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể được tiến hành với quy mô lớn và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng được lưu thông với phạm vi rộng, khiến cho số người bị ảnh hưởng hoặc bị tổn hại cũng sẽ chiếm số đông trong xã hội. Vì vậy, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng thuộc loại hành vi chống lại lợi ích xã hội. Do đó, bên cạnh quan hệ dân sự, vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng được xem xét và xử lý theo khía cạnh hành chính. Mục tiêu của biện pháp hành chính trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ là bảo vệ lợi ích của người thứ ba và của xã hội, cũng chính là gián tiếp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền.
2. Cơ sở pháp lý sử dụng biện pháp hành chính để xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Khái niệm “biện pháp hành chính” được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Văn bản luật này được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực sửa đổi hệ thống pháp luật quốc gia để đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp định TRIPS, nhằm mục tiêu trở thành thành viên của WTO. Có thể nói rằng, việc đưa khái niệm “biện pháp hành chính”, bên cạnh “biện pháp dân sự”, “biện pháp hình sự”, “biện pháp kiểm soát biên giới” vào văn bản luật nói trên[2] là thể hiện sự chuyển thể các quy định tương ứng của Hiệp định TRIPS vào thành vào hệ thống văn bản pháp luật quốc gia.
Khái niệm biện pháp hành chính, theo nghĩa rộng, có thể hiểu là bao quát hết các khái niệm thường dùng trong hệ thống pháp luật hành chính của Việt Nam như chế tài hành chính, hình thức xử lý hành chính, biện pháp xử lý hành chính, thủ tục xử lý hành chính .v.v. được áp dụng để xử lý các hành vi vi phạm các quy định quản lý nhà nước trong một lĩnh vực nhất định. Theo nghĩa này, biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là bao gồm toàn bộ các thủ tục hành chính, hình thức hay biện pháp xử lý hành chính mà có thể áp dụng đối với các hành vi đó theo quy định của các văn bản pháp luật hiện hành, bao gồm cả Luật Sở hữu trí tuệ và Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Khái niệm biện pháp hành chính, theo nghĩa hẹp, có thể hiểu bao gồm các hình thức xử lý hành vi vi phạm và các biện pháp xử lý hàng hoá xâm phạm, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Theo nghĩa này, biện pháp hành chính bao gồm các hình thức xử phạt hành chính (biện pháp xử lý hành vi xâm phạm) và biện pháp khắc phục hậu quả (biện pháp xử lý hàng hoá xâm phạm) quy định tại Điều 214 của Luật Sở hữu trí tuệ.[3] Thêm vào đó, nhằm để thực hiện các biện pháp hành chính, các quy định về thẩm quyền xử phạt,[4] thủ tục xử phạt[5] và các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính[6] theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ.
3. Điều kiện áp dụng biện pháp hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Những điều kiện cơ bản để thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính gồm:
(i) Có quy định pháp luật về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nói cách khác cần có căn cứ pháp lý để áp dụng biện pháp hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền.
(ii) Có cơ quan/người được trao thẩm quyền tiến hành biện pháp xử lý hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, người có thẩm quyền xử lý phải được trang bị kiến thức chuyên môn v/hoặc có sự hỗ trợ kịp thời và đầy đủ về mặt chuyên môn để có đủ khả năng xác định hành vi xâm phạm và áp dụng biện pháp xử lý phù hợp đối với hành vi xâm phạm.
(iii) Có thủ tục cho phép chủ thể quyền yêu cầu cơ quan thực thi áp dụng biện pháp hành chính đối với hành vi xâm phạm; cho phép người có thẩm quyền chủ động phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trong quá trình thực hiện chức năng quản lý của mình; cho phép công dân tố cáo và đề nghị xử lý hành vi xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính.
4. Nội dung biện pháp hành chính áp dụng đối với vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ
Bản chất biện pháp hành chính là sử dụng sức mạnh quyền lực của các cơ quan hành chính (nằm trong hệ thống hành pháp) thông qua các quyết định hành chính và tổ chức thực hiện các quyết định hành chính đó để xử lý các vi phạm hành chính. Như vậy, có hai yếu tố cấu thành nên biện pháp hành chính, đó là: vi phạm hành chính và quyết định của cơ quan hành chính xử lý vi phạm hành chính.
– Vi phạm hành chính:
Vi phạm hành chính là hành vi trái pháp luật, có lỗi, xâm phạm các quy tắc quản lý Nhà nước, nhưng mức độ nguy hiểm thấp hơn tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính. Trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính có quy định: “Xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là cá nhân, tổ chức) có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính”.
Như vậy, vi phạm hành chính có bốn điểm cơ bản sau:
(i) Hành vi trái pháp luật vi phạm các quy tắc quản lý Nhà nước;
(ii) Hành vi do tổ chức, cá nhân thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý;
(iii) Mức độ nguy hiểm của hành vi thấp hơn tội phạm;
(iv) Pháp luật quy định hành vi đó phải bị xử phạt hành chính.
Như vậy, biểu hiện trước hết của vi phạm hành chính chính là hành vi cố ý hoặc vô ý của cá nhân hoặc tổ chức (chủ thể hành vi) vi phạm pháp luật, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước hay của công dân và gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội; là biểu hiện tiêu cực cần phải loại trừ.
Biểu hiện thứ hai của vi phạm hành chính là mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật. Vì hành vi vi phạm hành chính và tội phạm đều là những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước và thường là các điều pháp luật ngăn cấm, song tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của vi phạm hành chính thấp hơn tội phạm, tức là chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Một điểm quan trọng nữa là hành vi vi phạm hành chính phải được pháp luật quy định. Nói cách khác, nếu pháp luật không quy định hành vi vi phạm pháp luật đó phải chịu trách nhiệm hành chính thì không coi hành vi đó là vi phạm hành chính. Hiện nay, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đã giao thẩm quyền quy định hành vi vi phạm hành chính cho Chính phủ, do vậy nếu không có Nghị định của Chính phủ quy định hành vi vi phạm pháp luật đó phải chịu trách nhiệm hành chính, thì không được coi hành vi vi phạm pháp luật đó là vi phạm hành chính.
– Quyết định áp dụng biện pháp hành chính:
Cơ quan hành chính, gồm cả người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính, chính là chủ thể áp dụng biện pháp hành chính. Về bản chất, đó là việc cơ quan quản lý Nhà nước nằm trong hệ thống hành pháp dùng sức mạnh của quyền lực Nhà nước để ra những quyết định mệnh lệnh hành chính đơn phương buộc người vi phạm hành chính phải thực hiện quyết định hành chính đó. Hành vi vi phạm hành chính bị xử lý thông qua quyết định của cơ quan hành chính có thẩm quyền.
Ngoài các quyết định hành chính xử lý vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ của người có thẩm quyền thuộc các cơ quan hành chính, biện pháp hành chính trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn bao gồm cả các quyết định, thủ tục nhằm bảo đảm việc thi hành các quyết định hành chính đó. Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền có thể ra các quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính, nhằm bảo vệ chứng cứ hoặc duy trì các điều kiện vật chất của tổ chức, cá nhân vi phạm.[7]
Trong thời hạn nhất định, nếu đối tượng bị áp dụng quyết định xử phạt hành chính không tự giác thực hiện quyết định đó thì sẽ bị cưỡng chế thi hành. Người có thẩm quyền xử phạt có quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử lý hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm, và trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu tổ chức tín dụng, ngân hàng nơi tổ chức, cá nhân mở tài khoản thực hiện việc thanh toán các khoản tiền phạt theo quyết định xử phạt.[8]
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ có thể bao gồm các hình thức, biện pháp xử lý sau:
(i) Hình thức xử phạt chính là: Cảnh cáo hoặc phạt tiền;[9]
(ii) Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không có thời hạn giấy phép có liên quan đến hoạt động sở hữu trí tuệ; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ;[10]
(iii) Các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu huỷ vật phẩm, hàng hoá vi phạm; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên sản phẩm, hàng hoá, phương tiện kinh doanh; buộc phân phối hoặc sử dụng vào mục đích phi thương mại với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác thương mại bình thường của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ.[11]
Tuy nhiên, không phải bất cứ cơ quan quản lý Nhà nước nào cũng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và được xử phạt bất kỳ loại vi phạm hành chính trong tất cả các lĩnh vực. Chỉ có những cơ quan Nhà nước được pháp luật quy định mới được thực hiện quyền xử phạt và chỉ có quyền xử phạt những hành vi vi phạm trong lĩnh vực được pháp luật giao cho. Mặt khác, không phải bất cứ ai trong cơ quan hành chính có thẩm quyền xử phạt đều được xử phạt và mức độ xử phạt là như nhau, mà pháp luật chỉ quy định một số chức danh nhất định của cơ quan hành chính đó mới có thẩm quyền xử phạt và quyền hạn xử phạt cũng khác nhau tuỳ theo chức danh mà pháp luật quy định.
Theo các văn bản pháp luật nói trên, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ bị xử lý bằng biện pháp hành chính gồm:
* Về sở hữu công nghiệp: (1) hành vi vi phạm quy định về thủ tục xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp; (2) vi phạm quy định về hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp; (3) vi phạm quy định trong hoạt động giám định sở hữu công nghiệp; (4) vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; (5) vi phạm nghĩa vụ bảo mật dữ liệu thử nghiệm khi nộp đơn xin cấp phép kinh doanh, lưu hành dược phẩm, nông hóa phẩm; (6) cản trở bất hợp pháp hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra về sở hữu công nghiệp; (7) hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; (8) hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại; (9) sản xuất, vận chuyển, nhập khẩu, buôn bán vật mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý vi phạm; (10) sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, giả mạo chỉ dẫn địa lý; (12) cạnh tranh không lành mạnh và hành vi vi phạm bí mật kinh doanh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
* Về quyền tác giả, quyền liên quan:
(1) hành vi vi phạm quy định về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan;
(2) hành vi vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức đại diện tập thể;
(3) hành vi vi phạm quy định trong hoạt động giám định về quyền tác giả, quyền liên quan;
(4) hành vi vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức tư vấn, dịch vụ;
(5) hành vi cản trở bất hợp pháp hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra về quyền tác giả, quyền liên quan;
(6) hành vi vận chuyển hàng hóa vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan;
(7) hành vi tàng trữ, chứa chấp hàng hóa vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan;
(8) hành vi quảng cáo hàng hóa vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan; hành vi xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm;
(9) hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm;
(10) hành vi xâm phạm quyền công bố tác phẩm;
(11) hành vi xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh;
(12) hành vi xâm phạm quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
(13) hành vi xâm phạm quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính;
(14) hành vi xâm phạm quyền phân phối dưới hình thức bán tác phẩm;
(15) hành vi xâm phạm quyền nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
(16) hành vi xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm tới công chúng;
(17) hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm;
(18) hành vi làm tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo;
(19) hành vi bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo;
(20) hành vi xâm phạm quyền áp dụng biện pháp công nghệ để tự bảo vệ quyền tác giả;
(21) hành vi chiếm đoạt quyền tác giả; (22) hành vi xâm phạm quyền được giới thiệu tên của người biểu diễn;
(23) hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn;
(24) hành vi xâm phạm quyền định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của người biểu diễn;
(25) hành vi xâm phạm quyền sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn;
(26) hành vi xâm phạm quyền phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn chưa được định hình;
(27) hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao cuộc biểu diễn;
(28) hành vi xâm phạm quyền sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình;
(29) hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm, ghi hình;
(30) hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình nhằm mục đích thương mại đã công bố;
(31) hành vi xâm phạm quyền công bố, sản xuất và phân phối bản ghi âm, ghi hình;
(32) hành vi xâm phạm quyền phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng;
(33) hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng chương trình phát sóng;
(34) hành vi xâm phạm quyền định hình chương trình phát sóng;
(35) hành vi xâm phạm quyền sao chép chương trình phát sóng;
(36) hành vi trích ghép chương trình phát sóng;
(37) hành vi xâm phạm quyền áp dụng biện pháp công nghệ để tự bảo vệ quyền liên quan;
(38) hành vi chiếm đoạt quyền liên quan.
* Về giống cây trồng:
(1) hành vi vi phạm các quy định về xác lập quyền đối với giống cây trồng, gồm các hành vi sau:
(a) vi phạm về việc giữ bí mật các thông tin liên quan đến đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng của người nộp đơn;
(b) làm sai lệch kết quả thẩm định dẫn đến việc cấp, từ chối cấp, đình chỉ hoặc huỷ bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng;
(c) công bố kết quả khảo nghiệm DUS về tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định không đúng sự thật;
(d) không thực hiện đúng quy phạm khảo nghiệm DUS đối với giống đăng ký khảo nghiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc chấp nhận;
(2) hành vi vi phạm về sử dụng giống cây trồng đã được bảo hộ mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng sau:
(a) sản xuất hoặc nhân giống;
(b) chế biến nhằm mục đích nhân giống;
(c) chào hàng;
(d) bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường;
(đ) xuất khẩu;
(e) nhập khẩu;
(g) lưu giữ để thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e;
(h) thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e đối với giống cây trồng mà việc sản xuất đòi hỏi phải sử dụng lặp lại giống cây trồng đã được bảo hộ;
(i) thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này đối với giống cây trồng không có sự khác biệt rõ ràng với giống cây trồng đã được bảo hộ;
(k) thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e đối với giống cây trồng có nguồn gốc từ giống cây trồng được bảo hộ, trừ trường hợp giống cây trồng được bảo hộ có nguồn gốc từ một giống cây trồng đã được bảo hộ khác;
(3) hành vi vi phạm các quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng, gồm các hành vi sau:
(a) sử dụng giống cây trồng có tên trùng hoặc tương tự với tên giống cây trồng đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài hoặc loài liên quan gần gũi với giống cây trồng đã được bảo hộ;
(b) s dụng giống cây trồng đã được bảo hộ mà không trả tiền đền bù theo quy định tại Điều 189 của Luật Sở hữu trí tuệ;
(c) sửa chữa, tẩy xoá một trong các loại giấy tờ sau: Bằng bảo hộ giống cây trồng; hợp đồng chuyển giao, chuyển nhượng và các quyết định liên quan đến quyền đối với giống cây trồng;
(d) sử dụng Bằng bảo hộ giống cây trồng giả; Bằng đã hết hiệu lực; Bằng bị đình chỉ hoặc huỷ bỏ hiệu lực để thực hiện quyền đối với giống cây trồng;
(đ) tác giả giống cây trồng không thực hiện đúng nghĩa vụ giúp chủ Bằng bảo hộ duy trì vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ;
(e) chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng không thực hiện việc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng đã được bảo hộ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
(f) chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng không trả thù lao cho tác giả giống cây trồng theo thoả thuận; không nộp lệ phí duy trì hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định;
(h) chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng không lưu giữ giống cây trồng được bảo hộ; không cung cấp vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng và không duy trì tính ổn định của giống cây trồng được bảo hộ theo quy định;
(i) cung cấp tài liệu, thông tin, chứng cứ sai sự thật khi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp đình chỉ, huỷ bỏ hoặc xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng;
(k) không chấm dứt hành vi xâm phạm quyền của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng sau khi chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng đã thông báo bằng văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi đó.
II. Kết quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính trong giai đoạn 3 năm: 2006 – 2008
Theo thống kê của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ từ các báo cáo của các ngành, các địa phương vào đầu năm 2009 về công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong 3 năm 2006-2008, các lực lượng thanh tra, kiểm tra ở các bộ và các địa phương đã xử lý trên 19.167 vụ xâm phạm quyền SHTT, tổng số tiền xử phạt trên 16 tỷ đồng, tịch thu xử lý nhiều phương tiện, tang vật vi phạm hành chính khác (chưa kể số vụ việc do lực lượng quản lý thị trường xử lý trong 2 năm 2007, 2008 do chưa có số liệu báo cáo).
Một số kết quả của các lực lượng thực thi trong các lĩnh vực quản lý liên quan đến sở hữu trí tuệ:
(i)Lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành văn hoá, thể thao và du lịch đã kiểm tra đã xử lý trên 5.667 vụ việc liên quan đến việc sao chép băng đĩa, in sách lậu, chương trình máy tính, đã xử phạt cảnh cáo 519 trường hợp, phạt tiền đối với các cơ sở còn lại với số tiền lên đến trên 10 tỷ đồng.[13]
(ii) Thanh tra chuyên ngành KH&CN đã tiến hành thanh tra 3.574 cơ sở, phát hiện và xử lý 459 vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, đã xử phạt cảnh cáo 152 trường hợp, phạt tiền 307 trường hợp với số tiền 1.847.988.200 đồng, buộc tiêu huỷ, loại bỏ yếu tố vi phạm ra khỏi nhiều loại sản phẩm, hàng hoá.
(iii) Lực lượng thanh tra ngành thông tin, truyền thông đã thực hiện thanh tra về bản quyền sử dụng phần mềm máy tính trong doanh nghiệp, thanh tra bản quyền của các phần mềm do doanh nghiệp sản xuất và việc cài đặt, xây dựng các trang Web cho các tổ chức, cá nhân.
(iv) Lực lượng cảnh sát điều tra về tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã điều tra phát hiện và bắt giữ 156 vụ và khởi tố nhiều đối tượng có các hành vi sản xuất buôn bán các hàng hoá giả mạo SHTT như: thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm, tân dược, rượu, linh kiện. Điển hình là vụ triệt phá đường dây buôn bán thuốc giả Viagra và Cialis từ Trung Quốc vào Việt Nam, với tang vật thu giữ là 13.600 viên thuốc giả, đã khởi tố 02 đối tượng; vụ thu giữ 85 tấn phân NPK giả do Công ty Tân Trường Sinh (Hoài Đức, Hà Nội) sản xuất, vụ việc đã được khởi tố và tiếp tục điều tra các đối tượng liên quan.
(v) Lực lượng hải quan (Bộ Tài chính, đã tiếp nhận và xử lý trên 53 đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu, đơn gia hạn kiểm tra, giám sát có liên quan đến SHTT. Cơ quan hải quan đã ra thông báo tạm thời dừng làm thủ tục hải quan và xử lý 31 trường hợp, trong đó hầu hết là các trường hợp được xác định là có giả mạo về SHTT (điện thoại và linh kiện điện thoại di động, thuốc lá điếu, linh kiện máy tính, túi…). Cơ quan Hải quan đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền khoảng 1,3 tỷ đồng.
(vi) Lực lượng quản lý thị trường riêng trong năm 2006 đã phát hiện và xử lý 12.885 vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền, xử phạt hành chính lên đến 4,3 tỷ đồng.[14]
Có thể thấy trong các năm từ 2006 – 2008, hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm về SHTT do lực lượng chức của các Bộ, ngành địa phương đã được triển khai rộng rãi và ở hầu khắp các lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của các Bộ, ngành và địa phương. Với những nỗ lực của các cơ quan chức năng, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đã góp phần tích cực cho việc tuyên truyền, giáo dục, răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về SHTT, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, người tiêu dùng, góp phần làm lành mạnh hoá môi trường kinh doanh và thu hút các nguồn đầu tư vào các hoạt động sáng tạo.
II. Hoàn thiện pháp luật và nâng cao năng lực thực thi bằng biện pháp hành chính
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc Hội thông qua ngày 19/6/2009 và sẽ có hiệu lực vào ngày 1/10/2010. Trong số các điều khoản sửa đổi, có một số quy định liên quan đến biện pháp hành chính trong xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, quy định về phạm vi, điều kiện áp dụng biện pháp hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã có thay đổi căn bản. Ví dụ, quy định về điều kiện “thông báo” của chủ thể quyền cho đối tượng vi phạm trước đây đã bị huỷ bỏ. Thay vào đó, biện pháp hành chính được áp dụng khi hành vi xâm phạm “gây thiệt hại” cho tác giả, chủ sở hữu. Quy định cần được chi tiết hoá cũng như hướng dẫn thi hành trong văn bản Nghị định.
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 cũng có quy định mới về hình thức phạt tiền, theo đó quy định về mức phạt tiền theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2008 (tối đa đến 500 triệu đồng cho lĩnh vực sở hữu trí tuệ) được áp dụng, thay vì mức phạt từ 1 đến 5 lần giá trị hàng hoá vi phạm theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Quy định mới này cũng cần được hướng dẫn thi hành trong văn bản Nghị định.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang gấp rút soạn thảo văn bản nghị định hướng dẫn áp dụng các biện pháp hành chính để xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp theo tinh thần của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 nói trên.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn áp dụng các biện pháp hành chính để xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp được xây dựng trên các nguyên tắc cơ bản sau đây:
(i) Các nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính được cụ thể hoá cho phù hợp với xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Tránh “dân sự hoá” các quan hệ hành chính, đồng thời tránh “hành chính hoá” các quan hệ dân sự trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Phân biệt rạch ròi phạm vi, điều kiện, trình tự thủ tục, thẩm quyền áp dụng các chế tài dân sự và chế tài xử phạt hành chính trong xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
(ii) Làm rõ sự khác biệt giữa thủ tục/biện pháp hành chính và thủ tục/biện pháp dân sự trong thực thi quyền sở hữu trí tụê, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò chủ động của cơ quan hành chính trong phát hiện và xử lý hành vi và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tụê; trách nhiệm của người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước và của các bên (bên yêu cầu xử lý, bên bị áp dụng biện pháp hành chính) trong xử lý hành vi và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
(iii) Tìm ra giải pháp thống nhất giữa các ngành để giải quyết những vấn đề còn bỏ ngỏ, mâu thuẫn hoặc chồng chéo trong xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, đặc biệt quy định pháp luật liên quan đến xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xử lý hàng giả, xử lý hàng xuất, nhập khẩu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đề xuất giải pháp hợp lý nhằm thống nhất cách hiểu và áp dụng các quy định pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau về sở hữu trí tuệ, nhằm đảm bảo hiệu lực của Luật Sở hữu trí tuệ và hiệu quả của công tác thực thi.
(iv) Trên cơ sở rà soát tổng thể quy định của các văn bản pháp luật hiện hành và thực tế áp dụng các quy định liên quan đến xử lý hành chính các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian vừa qua, đồng thời xem xét các câu hỏi, chất vấn, bình luận của các nước thành viên WTO đối với VN trong thời gian 3 năm kể từ khi VN gia nhập WTO đến nay, đề xuất các quy định sửa đổi, bổ sung cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong nước và yêu cầu thực thi “hiệu quả” quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định TRIPS và cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
Theo kế hoạch Dự thảo Nghị định trên sẽ được trình ký ban hành trong Quý IV năm 2009 để đảm bảo hiệu lực thi hành của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi vào đầu năm 2010.
Ngoài việc hoàn thiện văn bản pháp luật như một công cụ pháp lý cần thiết cho việc áp dụng các biện pháp hành chính trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ, cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan thực thi cần kết hợp để thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức của công chúng, doanh nghiệp về thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung, về áp dụng biện pháp hành chính trong xử lý xâm phạm quyền nói riêng. Đồng thời, bên cạnh những nỗ lực nội sinh từ bản thân các cơ quan thực thi, cần mở rộng các chương trình hợp tác và hỗ trợ thực chất và hiệu quả từ phía các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp, các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước, nhằm tăng cường năng lực của các cơ quan và đội ngũ cán bộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ./.
Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)
3. Lợi ích của doanh nghiệp với quyền sở hữu trí tuệ là gì ?
Doanh nghiệp sẽ thu được những lợi ích gì từ công nghệ do mình tự đầu tư nghiên cứu, và sẽ trả cho các tác giả công nghệ như thế nào – Vấn đề tưởng chừng rất đơn giản do mọi nội dung liên quan đã được nhà nước quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật chuyển giao Công nghệ. Nhưng qúa trình triển khai, một số doanh nghiệp chưa biết hoặc hiểu chưa đúng. Trong khi đó, một số cơ quan quản lý nhà nước tại một số địa phương lại rất lúng túng khi giải quyết vấn đề này.
Diễn biến vấn đề liên quan đến công nghệ:
Một doanh nghiệp T đầu tư nghiên cứu để cho ra đời một giải pháp hữu ích F, giải pháp này được cơ quan nhà nước cấp bằng độc quyền về giải pháp hữu ích (trong văn bằng độc quyền giải pháp hữu ích ghi rõ chủ sở hữu văn bằng độc quyền giải pháp là doanh nghiệp T, tác giả giải pháp là cá nhân thuộc doanh nghiệp T). Nhờ có lợi ích kinh tế và kỹ thuật vượt trội từ giải pháp F, doanh nghiệp T được Ủy ban nhân dân tỉnh B giao chủ đầu tư và tự thực hiện thi công công trình có sử dụng giải pháp F, với tổng mức đầu tư xây dựng là 73 tỷ đồng (100% từ nguồn vốn ngân sách nhà nước) . Sau quá trình triển khai thực hiện 50% khối lượng công việc, doanh nghiệp T đề xuất giải pháp F1, trên nguyên lý giải pháp F, nhưng tiết kiệm nguyên vật vật liệu (cấu tạo mỏng hơn), nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật từ đó giảm giá thành hơn so với giải pháp F. Đồng thời doanh nghiệp T yêu cầu cơ quan nhà nước đưa “giá trị trí tuệ của sáng chế” của giải pháp hữu ích F và F1 (F1 không được cơ quan nhà nước cấp văn bằng độc quyền về sáng chế vì cùng nguyên lý với giải pháp F) vào tổng mức đầu tư xây dựng công trình làm cơ sở thanh toán cho doanh nghiệp T, để doanh nghiệp T thanh toán cho tác giả giải pháp F và F1. Với cách tính và lập luận như sau:
Tính ưu việt so với các giải pháp thông thường | Giá trị làm lợi cho nhà nước do sử dụng giải pháp F và F1 | Theo điều 135 các tác giả được hưởng lợi là |
So với giải pháp thông thường F làm lợi cho nhà nước | 22tỷ đồng | 10% X 22 tỷ đồng= 2,2 tỷ đồng |
So với giải pháp thông thường F1 làm lợi cho nhà nước | 33 tỷ đồng | 10% x 33 tỷ đồng= 3,3 tỷ đồng |
Tổng cộng giá trị làm lợi từ giải pháp F và F1 là | 55 tỷ đồng | 5,5 tỷ đồng |
Tổng số tiền doanh nghiệp T yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh B cho doanh nghiệp là 5,5 tỷ đồng – được gọi là “giá trị tài sản trí tuệ của sáng chế” và là những lợi ích do sử dụng giải pháp F,F1 để doanh nghiệp T trả thù lao cho các tác giả giải pháp F và F1.
Sau khi lấy ý kiến các cơ quan ban ngành liên quan, với sự nhất trí của số đông các cơ quan quản lý (trong đó có Sở Xây dựng và Sở Tài chính). Đề nghị như trên của doanh nghiệp T được Ủy ban nhân dân tỉnh B chấp thuận đưa 5,5 tỷ đồng là tiền “giá trị trí tuệ của sáng chế” vào tổng mức đầu tư (điều chỉnh bổ sung).
Ý kiến bàn luận:
Theo điều 135 Luật Sở hữu trí tuệ thì “Chủ sở hữu sáng chế có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả từ những lợi ích mà chủ sở hữu thu được”. Trong trường hợp cụ thể của vấn đề nêu ở trên chủ sở hữu sáng chế F là doanh nghiệp T.
Vậy chúng ta sẽ làm rõ, chủ sở hữu sáng chế sẽ thu được những lợi ích gì khi kinh doanh dựa trên sáng chế. Đồng thời việc đề nghị của doanh nghiệp T đối với UBND tỉnh B có hợp lý hay không.
♦ Những quyền lợi của chủ sở hữu sáng chế:
Do doanh nghiệp T là chủ sở hữu sáng chế, theo quy định pháp luật hiện hành, doanh nghiệp T có các quyền lợi đối với sáng chế như sau:
*Quyền định đoạt:
Doanh nghiệp T có quyền bán (chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng) công nghệ – sáng chế F. Phạm vi chuyển giao theo các quy định tại khoản 2 điều 17 của Luật chuyển giao công nghệ.
*Những lợi ích tài chính:
Lợi ích tài chính doanh nghiệp T thu được, bao gồm các lợi ích trực tiếp và gián tiếp như sau:
☺Các lợi ích gián tiếp của doanh nghiệp T khi đầu tư nghiên cứu ra các giải pháp :
Những lợi ích gián tiếp khi doanh nghiệp T đầu tư nghiên cứu ra giải pháp là:
– Được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho số thu nhập tăng thêm do các hoạt động này mang lại
-Các chi phí đầu tư cho việc nghiên cứu sáng tạo giải pháp này được coi là chi phí hợp lý và được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp
-Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần thu nhập tăng thêm trong bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong bảy năm tiếp theo
-Doanh nghiệp được trích một phần lợi nhuận trước thuế hằng năm lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ để tiến hành hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mi công nghệ
Ngoài ra doanh nghiệp còn được hưởng những ưu đãi khác từ thuê đất (nếu có) để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho việc sáng tạo và phát triển các giải pháp thuộc hoạt động khoa học, công nghệ; được góp vốn bằng giá trị giải pháp F trong các dự án đầu tư hoặc vào vốn của doanh nghiệp (Luật khoa học và công nghệ; Luật chuyển giao công nghệ), .v.v.
☺ Các lợi ích trực tiếp của doanh nghiệp T:
Khi thực hiện bán (chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng ) công nghệ – giải pháp F hoặc khi doanh nghiệp T dùng giải pháp F để thi công các công trình, doanh nghiệp T thu được lợi ích như sau:
-Giá trị thu được từ việc bán (chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng) công nghệ – giải pháp F.
-Lợi nhuận doanh nghiệp thu được khi sử dụng giải pháp F thi công các công trình (theo Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan).
♦ Bàn luận về những đề nghị của doanh nghiệp T đối với UBND tỉnh B:
Theo những phân tích lợi ích doanh nghiệp thu được khi sử dụng giải pháp F đã nêu ở trên, thì phần tính toán về những lợi ích doanh nghiệp T kiến nghị UBND tỉnh phải trả cho doanh nghiệp T để doanh nghiệp T trả cho tác giả sáng chế, với lập luận “Công trình sử dụng vốn ngân sách tỉnh, do UBND tỉnh quản lý là nơi được hưởng lợi trực tiếp từ việc sử dụng sáng chế do tiết kiệm chi phí” là không đúng.
Theo pháp luật về Đầu tư, Xây dựng, Chuyển giao công nghệ, dự án đầu tư được phép đưa giá trị công nghệ (trên cơ sở thỏa thuận) vào tổng mức đầu tư hay tổng giá trị đầu tư khi dự án có góp vốn bằng công nghệ, mua bán công nghệ (chuyển giao công nghệ). Đối với dự án cụ thể đã nêu, không có góp vốn bằng công nghệ (công trình thi công bằng 100% nguồn vốn ngân sách nhà nước), không có mua bán công nghệ. Mặt khác, nhờ có giải pháp F cùng những ưu điểm của nó, doanh nghiệp T đã được UBND tỉnh B giao cho thi công toàn bộ các công trình liên quan đến giải pháp F trên địa bàn tỉnh, sử dụng hoàn toàn vốn ngân sách nhà nước mà không phải thực hiện đấu thầu theo Luật Đầu thầu. Đồng thời ngay khi lập dự án đầu tư, doanh nghiệp T cũng không đặt vấn đề liên quan đến việc đưa giá công nghệ – giải pháp F vào tổng mức đầu tư để trình UBND tỉnh B phê duyệt. Chỉ khi thi công được ½ khối lượng công việc doanh nghiệp T mới yêu cầu UBND tỉnh B phê duyệt lại dự toán để đưa 5,5 tỷ đồng vào tổng mức đầu tư để thanh toán cho tác giả sáng chế là không hợp lý.
Kết luận:
Tóm lại, việc tự đầu tư nghiên cứu để có những sáng chế, đổi mới công nghệ làm lợi cho nhà nước của doanh nghiệp T là một hướng đầu tư đúng đắn, cần được các cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, giúp doanh nghiệp T được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi liên quan đến hoạt động khoa học công nghệ hiện hành. Tuy nhiên việc hiểu về lợi ích của chủ sở hữu sáng chế, và việc giải quyết theo đề nghị của doanh nghiệp T trong việc đưa giá trị tài sản sáng chế vào tổng mức đầu tư để trả thù lao tác giả sáng chế như như nội dung bài viết đã trình bày là không chính xác, và không phù hợp. Tiếc thay vấn đề này lại được nhiều cơ quan quản lý nhà nước tại tỉnh B đồng chấp thuận tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh B phê duyệt.
Đây là tình huống có thật tại tỉnh B. Vấn đề này, hiện nay còn khá mới mẻ, tác giả xin nêu để qúy bạn đọc quan tâm cùng trao đổi, rút ra những kinh nghiệm khi xử lý các trường hợp tương tự tại các địa phương.
Luật Minh Khuê (biên tập)
4. Lợi ích quốc gia từ việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ?
Bài viết đề cập đến nội dung thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) theo quy định “mở” của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đối với các quốc gia thành viên. Việc chọn “ngưỡng” nào trong phạm vi “mở” đó là tùy thuộc vào mỗi quốc gia nhưng phải tuân theo nguyên tắc có thể “vượt trần” nhưng không được “dưới sàn”. Trong quá trình hoạch định chính sách, tùy từng thời điểm, quốc gia thành viên có thể chọn việc đặt uy tín quốc tế lên trên lợi ích quốc gia.
Một câu hỏi được đặt ra là: Trong chính sách về SHTT, ViệtNam đã đặt uy tín quốc tế lên trên lợi ích quốc gia hay ngược lại? Khó có thể trả lời câu hỏi này khi đứng trước các thông tin tích cực và tiêu cực đối với nền kinh tế nước nhà sau hơn 2 năm gia nhập WTO.
Nhắc đến hoạt động của WTO, người ta thường đề cập đến hoạt động của các Hội đồng thương mại dưới quyền của Đại hội đồng. Có ba Hội đồng thương mại (có tài liệu còn coi đó là ba “trụ cột” của WTO) là: Hội đồng thương mại hàng hóa, Hội đồng thương mại dịch vụ và Hội đồng các khía cạnh của quyền SHTT liên quan đến thương mại. Trong đó, Hội đồng các khía cạnh của quyền SHTT liên quan đến thương mại chịu trách nhiệm đối với các hoạt động thuộc phạm vi của Hiệp định về các khía cạnh của quyền SHTT liên quan đến thương mại (Hiệp định TRIPS), cũng như việc phối hợp với các tổ chức quốc tế khác trong lĩnh vực quyền SHTT.
Tại Hội thảo khoa học “Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO – Những thành tựu và thách thức” do Viện Khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế tổ chức vào tháng 10.2009, TS Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhp kinh tế quốc tế thuộc Viện Quản lý kinh tế Trung ương đã phát biểu: “Cái đáng tiếc nhất rút ra sau 2 năm gia nhập WTO là ta đã quá hứng khởi. Hứng khởi quá mức để rồi lúng túng về chính sách… Vì vậy mới nảy sinh những biện pháp cứng rắn đến mức không cần thiết, ở mức độ nào đó có gây ra hiệu ứng bất lợi”1. Có thể TS Võ Trí Thành đã đề cập chung đến cả ba lĩnh vực là thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và SHTT.
Một số thành tự có liên đến SHTT sau 2 năm gia nhập WTO
Theo yêu cầu của Hiệp định TRIPS, mỗi quốc gia thành viên hoặc xin gia nhập WTO phải dành sự bảo hộ quyền SHTT một cách đầy đủ và hữu hiệu cho công dân của các nước thành viên WTO khác theo nguyên tắc đối xử quốc gia và tối huệ quốc. Cụ thể là, các thành viên phải có hệ thống pháp luật và bộ máy để bảo hộ quyền SHTT (bao gồm: Quyền tác giả và các quyền liên quan, sáng chế, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp, chỉ dẫn địa lý và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh) đáp ứng các chuẩn mực tối thiểu của Hiệp định TRIPS về nội dung, phạm vi, thời hạn và bảo đảm thực thi quyền.
Việt Nam đã cam kết tuân thủ đầy đủ mọi quy định của Hiệp định TRIPS ngay từ ngày gia nhập WTO (11.1.2007) mà không có thời gian chuyển tiếp, cụ thể là vấn đề đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc; vấn đề đối tượng bảo hộ, phạm vi bảo hộ, mức độ và thời hạn bảo hộ, thủ tục xác lập và duy trì quyền, phí và lệ phí, các biện pháp kiểm soát hành vi lạm dụng quyền SHTT; cơ chế, thủ tục và chế tài thực thi quyền. Bên cạnh cam kết tổng quát trên đây, Việt Nam còn có những cam kết cụ thể với WTO, đó là cam kết về ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự để bảo đảm xử lý hình sự đối với các hành vi cố ý vi phạm bản quyền và giả mạo nhãn hiệu ở quy mô thương mại; ban hành công cụ pháp lý để bảo đảm các cơ quan của Nhà nước chỉ sử dụng các phần mềm hợp pháp và các đài truyền hình chỉ phát sóng các chương trình hợp pháp.
Cộng đồng quốc tế đã đánh giá hệ thống pháp luật về SHTT của Việt Nam đáp ứng đủ các quy định của WTO, đó là một nỗ lực đáng kể của chúng ta trong quá trình đàm phán gia nhập WTO. Nhưng trong 2 năm qua, Việt Nam vẫn nỗ lực để tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp luật về SHTT, tháng 6.2009, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT. Việc sửa đổi phần có liên quan đến SHTT trong Bộ luật Hình sự cũng được tiến hành. Hai bộ luật này có mối liên quan tương hỗ với nhau vì trong những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia khi gia nhập WTO, những vi phạm về làm giả nhãn hiệu, vi phạm sao chép các quyền tác giả… cũng phải xử lý như một tội phạm. Như vậy, việc sửa đổi Bộ luật Hình sự sẽ có tác dụng răn đe tốt hơn đối với các vi phạm về SHTT.
Một số điểm tồn tại sau 2 năm gia nhập WTO
Qua các tài liệu được công bố cũng cho thấy, hệ thống pháp luật vẫn thiếu đồng bộ, chồng chéo, vừa kém hiệu quả, vừa tăng gánh nặng pháp lý lên người dân và doanh nghiệp. Môi trường kinh doanh của nước ta, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), vẫn đứng ở nửa dưới của bảng xếp hạng (thứ 91/181). Trong đó, các tiêu chí về thời gian nộp thuế, làm thủ tục hải quan, thời gian cần thiết để gia nhập thị trường, phá sản doanh nghiệp là những khâu có vị trí xếp hạng thấp hơn cả. Năng lực cạnh tranh toàn cầu của nước ta cũng bị tụt 4 bậc, xếp thứ 68/131 so với vị trí 64 của năm trước khi gia nhập WTO 1 năm2. Hay một thông tin khác: Trước khi gia nhập WTO, tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam luôn ở mức dưới 20% kim ngạch xuất khẩu. Nhưng sau 2 năm gia nhập WTO, tỷ lệ nhập siêu lên đến 30%.
Về SHTT, có thể thấy, tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất thấp so với nước ngoài. Hầu hết những sáng chế mang tính đột phá và có giá trị lớn đều không phải của người Việt Nam. Trong Top 1.000 nhãn hiệu mạnh trên thế giới đều không có bóng dáng của Việt Nam. Trong khi đó, tài sản trí tuệ của Mỹ đạt đến con số khoảng 60%. Điển hình như hãng Microsoft, tài sản trí tuệ của họ lên đến 97,5%. Đối với ViệtNam, con số ước tính chỉ khoảng 10-20%3.
Trả lời cho câu hỏi nghiên cứu
Đến đây, chúng ta có quyền đặt các câu hỏi: Tại sao tỷ lệ nhập siêu lại cao? Tại sao tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam lại thấp so với nước ngoài? Có rất nhiều giả thuyết để trả lời cho các câu hỏi nêu trên, tác giả chỉ xin đưa ra một giả thuyết nhỏ: Có mối liên quan giữa biện pháp kiểm soát hàng hóa xâm phạm quyền SHTT tại biên giới với các câu hỏi vừa nêu.
Trước khi gia nhập WTO, bằng sự nỗ lực cao nhất, trong một khoảng thời gian ngắn nhất, chúng ta đã ban hành được Luật SHTT, là một trong những cơ sở cho việc đàm phán gia nhập WTO. Điều 216.1. Luật SHTT quy định về “Biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT”, theo đó các biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT bao gồm: Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT; Kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT. Cần lưu ý là chúng ta quy định việc kiểm soát cả hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu có liên quan đến SHTT. Mặt khác cũng cần lưu ý rằng, theo pháp luật Việt Nam, các đối tượng của quyền SHTT bao gồm: Quyền tác giả và quyền liên quan, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý, quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch (xin lưu ý 2 đối tượng là quyền tác giả và nhãn hiệu để tiện so sánh với quy định của Hiệp định TRIPS).
Trong khi đó, điều 51 của Hiệp định TRIPS chỉ quy định: “Các thành viên phải ban hành, một cách phù hợp với các quy định sau đây, các thủ tục cho phép chủ thể quyền, khi có những căn cứ hợp lý để nghi ngờ rằng việc nhập khẩu các hàng hoá mang nhãn hiệu hàng hoá giả mạo hoặc vi phạm bản quyền có thể xảy ra, được đệ đơn cho các cơ quan có thẩm quyền, là cơ quan hành chính hoặc cơ quan xét xử, yêu cầu đình chỉ thông quan tại các cơ quan hải quan để ngăn chặn các hàng hoá đó vào lưu thông tự do”. Như vậy, Hiệp định TRIPS chỉ quy định về thủ tục kiểm soát đối với hàng hóa nhập khẩu nghi ngờ xâm phạm quyền tác giảvà nhãn hiệu. Quy định của TRIPS đã mở ra khả năng thực thi rất cao của cơ quan thực thi quyền SHTT, bởi lẽ với khả năng có hạn và trang bị không đầy đủ, cơ quan thực thi quyền SHTT tại biên giới chỉ có thể kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vi phạm nhãn hiệu và bản quyền.
So sánh với quy định của Hiệp định TRIPS, ta thấy pháp luật Việt Nam về SHTT đã quy định vượt quá yêu cầu của Hiệp định TRIPS đối với các quốc gia thành viên của WTO. Điều 51 của Hiệp định TRIPS không yêu cầu kiểm soát hàng hóa xuất khẩu vi phạm quyền SHTT, bởi có thể hàng hóa xâm phạm quyền SHTT tại quốc gia xuất xứ nhưng lại không xâm phạm quyền SHTT tại thị trường của quốc gia nhập khẩu. Quy định như vậy có thể sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan thực thi quyền SHTT sẽ phải đối mặt với hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh có thể xảy ra trong tương lai.
Nêu lên vấn đề này chỉ để góp thêm tiếng nói vào nội dung Thực tiễn vai trò của Nhà nước Việt Nam sau khi gia nhập WTO…
Luật Minh Khuê (biên tập)
5. Làm sao để doanh nghiệp có thể bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ?
Tài sản vô hình này ngày càng khẳng định vai trò là yếu tố cơ bản tạo nên giá trị của doanh nghiệp và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Ngày nay tài sản vô hình chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp.
Khi đã thực sự là thành viên WTO và đang trong quá trình hội nhập sâu và rộng, khi hàng rào thuế quan dần được rỡ bỏ, doanh nghiệp Việt Nam cần phải có một chiến lược phát triển thương hiệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Một chiến lược phát triển phù hợp và hệ thống quản lý hữu hiệu về sở hữu trí tuệ sẽ giúp các doanh nghiệp có được sản phẩm có tính cạnh tranh cao lại tiết kiệm chi phí và kịp thời ngăn chặn việc sao chép nhãn mác, làm nhái sản phẩm…
Doanh nghiệp cần biết rằng thủ tục đăng ký nhãn hiệu đơn giản, nhưng thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp phức tạp hơn và phức tạp nhất là đăng ký sáng chế vì nó liên quan đến cấu tạo sản phẩm, phương pháp sản xuất. Nói chung, đối với nhãn hiệu, kiểu dáng sản phẩm, doanh nghiệp có thể thực hiện tốt khi liên hệ với Cục Sở hữu Trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ, nơi có Phòng Đăng ký sẵn sàng cung cấp mẫu biểu, tờ khai. (Doanh nghiệp có thể tham khảo những thông tin chi tiết trên website của Cục Sở hữu trí tuệ http//:www.noip.gov.vn). Doanh nghiệp chỉ cần nộp 1 lần đơn, lệ phí đăng ký nhãn hiệu không cao chỉ chưa tới 1 triệu đồng cho 1 nhóm sản phẩm.
Thủ tục đăng ký về quyền sở hữu trí tuệ được đơn giản, ví dụ trước đây quy định đăng ký 1 sáng chế mất 18 tháng, nay còn 12 tháng; 1 kiểu dáng công nghiệp 12 tháng, nay còn khoảng 9 tháng. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì đăng ký nhãn hiệu sở hữu trí tuệ cũng từ 12 tháng còn 9 tháng. Đây là một cố gắng nhưng có thể chưa thật thoả mãn người đăng ký nhưng vì Việt Nam còn là thành viên của một loạt thoả ước quốc tế nên việc cấp nhanh hơn rất khó khăn. Sở dĩ việc đăng ký mất thời gian lâu vì ta là thành viên của Công ước Pari về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nên phải chờ 6 tháng để doanh nghiệp các nước khác nộp đơn xin đăng ký vào Việt Nam.
Không chỉ đảm bảo chắc phần thắng trên sân nhà, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đăng ký ở những nước khác để bảo hộ cho sản phẩm của mình. Với các nước mà Việt Nam là thành viên của Thoả ước Madrid thì cc doanh nghiệp chỉ cần nộp qua Cục Sở hữu Trí tuệ. Đăng ký theo Thoả ước Madrid thì chỉ với 1000 USD, doanh nghiệp đã có thể đăng ký bảo hộ cho sản phẩm của mình tại 10 nước có tham gia thỏa ước này. Thỏa ước này không bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông, ASEAN, Anh nên khi đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại những nước này, doanh nghiệp phải đăng ký trực tiếp và thường thì sử dụng các đại diện sở hữu công nghiệp để làm thay. Ví dụ, doanh nghiệp muốn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Mỹ thì phải có đại diện sở hữu công nghiệp, tốn tiền lệ phí quốc gia khoảng vài trăm USD cho một nhóm sản phẩm cộng thêm lệ phí dịch vụ của các hãng đại diện khoảng trên dưới 1000 USD cho 1 nhóm sản phẩm. Rõ ràng với cách này, doanh nghiệp sẽ phải tốn phí hơn qua Thoả ước Madrid nhưng do nhu cầu bảo hộ nhãn hiệu, hàng hoá thì doanh nghiệp vẫn phải làm. Tình hình đăng ký cũng khá hơn, năm vừa rồi, doanh nghiệp Việt Nam đăng ký qua Thỏa ước Madrid tăng hơn 50%.
Bảo vệ những tài sản trí tuệ của mình không chỉ bằng việc đăng ký bảo hộ, dán tem chống hàng giả, quản lý tốt hệ thống phân phối, một chuyên gia về lĩnh vực quản lý thị trường cho rằng các doanh nghiệp phải chủ động phối hợp với các cơ quan thực thi. ở Hoa Kỳ, để bảo vệ quyền lợi cho mình, các công ty đều có những bộ phận riêng hoặc thuê các công ty luật, công ty thám tử tư để bảo vệ bản quyền cho mình. Trong trường hợp bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, các công ty đều có hình thức phối hợp về phương tiện, hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng thực thi. Đương nhiên, chiêu thức này còn phụ thuộc vào khả năng tài chính, quy mô của doanh nghiệp nhưng cũng đã có những công ty ở Việt Nam áp dụng cách này để bảo vệ những đứa con tinh thần của mình. Ngoài ra, các tổ chức hiệp hội như Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, Hội Sở hữu Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam là những tổ chức phi chính phủ đóng vai trò tích cực trong đấu tranh chống hàng giả vi phạm sở hữu trí tuệ.
Trong thực tế, thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam thường được thông qua các quy định về xử lý hành chính hơn là kiện cáo trước tòa do cách này dễ thực hiện, nhanh chóng về th tục và ít tốn kém dù nó có một nhược điểm là tính răn đe và hiệu quả chưa cao. Thêm nữa, doanh nghiệp Việt Nam thường có tâm lý “né tránh”, ngại kiện cáo trong khi thủ tục tố tụng về sở hữu trí tuệ còn thiếu càng làm cho số vụ tranh chấp giải quyết qua con đường tòa án ít đi. Cho nên, cùng với nỗ lực của các ngành chức năng, doanh nghiệp cũng cần có thói quen bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình qua con đường tố tụng bởi đây là cách giải quyết triệt để.